Lịch sử Em_Thúy

Họa sĩ Trần Văn Cẩn là một trong những đại diện hàng đầu của Hội họa Việt Nam đầu thế kỷ 20, ông tốt nghiệp thủ khoa Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1937.[4] Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ngoài thời gian đi sáng tác, họa sĩ thường sống với gia đình người họ hàng tại phố Hàng Cót, Hà Nội. Trong gia đình, ông quý nhất người cháu gái tên là Minh Thúy, vì vậy họa sĩ đã vẽ tặng người cháu một bức chân dung vào năm 1943[2] với tựa đề đơn giản, Em Thúy, khi đó Minh Thúy lên 8 tuổi.[1]

Sau khi quân Pháp quay lại chiếm Hà Nội, gia đình em Thúy đi tản cư mà không mang theo bức tranh. Tới khi họ quay về thì bức tranh đã bị lấy trộm và gia đình phải bỏ tiền ra chuộc lại bức tranh từ một người buôn tranh, ông này trước đó tìm thấy Em Thúy tại nhà một người thợ cạo. Cuối cùng Em Thúy được họa sĩ Trần Văn Cẩn tặng lại cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.[1] Ngoài bức chân dung vẽ Minh Thúy năm 8 tuổi, họa sĩ Trần Văn Cẩn còn có một bức tranh khác vẽ Thúy lúc cô 24 tuổi.[1]

Trải qua hơn 60 năm, bức tranh bắt đầu rơi vào tình trạng xuống cấp, năm 2003[5] Em Thúy được đề nghị đưa ra nước ngoài để bảo quản phục chế nhưng Bộ Văn hóa không đồng ý. Một năm sau đó bức tranh được giao cho chuyên gia phục chế người Úc Caroline Fry tiến hành phục chế tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Theo đánh giá của Fry thì sau khi phục chế bức tranh có thể duy trì tình trạng tốt trong khoảng 20 năm.[6] Bức tranh được chính thức bàn giao cho Bảo tàng Mỹ thuật ngày 28 tháng 6 năm 2004.[7]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Em_Thúy http://www.vnexpress.net/GL/Van-hoa/2004/06/3B9D40... http://hieuminh.org/2010/12/07/co-mot-nguoi-mau-o-... http://www.hanoimoi.com.vn/vn/53/121484/ http://vnfineartsmuseum.org.vn/proveventdetail.asp... http://vnfineartsmuseum.org.vn/tb_view.asp?Id=294 http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/co-mot-nguoi-mau-... http://vietnam.vnanet.vn/vnp/vi-vn/13/18/18/556/de... http://www.vnn.vn/vanhoa/mythuatkientruc/2004/04/5... http://www.vnn.vn/vanhoa/vandekhac/2003/3/5668/ https://web.archive.org/web/20061005231811/http://...